Giai đoạn Chiến tranh Đông Dương 1945-1954 Tân_nhạc_Việt_Nam

Bài chi tiết: Nhạc đỏ
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước

Từ năm 1945, tân nhạc Việt Nam bắt đầu có sự phân tách. Đa số các nhạc sĩ rời bỏ thủ đô và những thành phố lớn để tham gia kháng chiến. Nhưng một số vẫn ở lại trong vùng kiểm soát của Pháp hoặc có những nhạc sĩ theo kháng chiến rồi lại quay trở lại thành phố.

Với đề tài kháng chiến, ở miền Bắc, Phạm DuyXuất quân, Chiến sĩ vô danh, Bên ni bên tê, Đường Lạng Sơn, Việt Bắc, Bông Lau rừng xanh pha máu, Thanh niên Việt Nam, Nhạc tuổi xanh, Đường về quê, Bà mẹ Gio Linh, Bao giờ anh lấy được đồn Tây..., Nhớ người ra đi, Tiếng hát trên sông Lô, Đỗ Nhuận viết Du kích sông Thao, Áo mùa đông, Nhớ chiến khu, Hoàng Vân có Hò kéo pháo, Văn Chung viết Quê tôi giải phóng, Lê Yên viết Bộ đội về làng, Nguyễn Xuân Khoát viết Tiếng chuông nhà thờ, Nguyễn Đình Phúc viết Bình ca, Chiến sĩ Sông Lô, Nguyễn Đình Thi viết Người Hà Nội, Nguyễn Đức Toàn có Quê em miền trung du... Ở miền Trung có Bình Trị Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương, Lời người ra đi của Trần Hoàn, Đoàn vệ quốc quân, Có một đàn chim của Phan Huỳnh Điểu, Du kích Ba Tơ của Dương Minh Viên... Còn ở miền Nam, một lớp nhạc sĩ trẻ hơn như Hoàng Việt với Lên ngàn, Nhạc rừng, Nguyễn Hữu Trí với Tiểu đoàn 307, Trần Kiết Tường với Anh Ba Hưng, Con kênh xanh xanh của Ngô Huỳnh, Tình đồng chí của Minh Quốc. Một đề tài sáng tác mới nữa của các nhạc sĩ là ca ngợi Hồ Chí MinhĐảng Lao động Việt Nam. Lưu Hữu Phước đã viết Chào mừng Đảng lao Động Việt Nam, Lưu Bách Thụ viết Biết ơn Cụ Hồ. Tham gia kháng chiến, Văn Cao đã sửa lời Bến xuân thành Đàn chim Việt và viết Trường ca Sông Lô, Ca ngợi Hồ Chủ tịch. Năm 1949 Văn Cao viết Tiến về Hà Nội. Năm 1951 Đỗ Minh sáng tác Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam.

Các ca khúc này đánh dấu sự ra đời thực sự của nhạc kháng chiến, hay "nhạc đỏ". Tuy vậy, ngay trong số những nhạc sĩ trên, nhiều người vẫn tiếp tục viết các ca khúc lãng mạn và được các chính quyền tại miền Nam Việt Nam xếp vào dòng nhạc tiền chiến như Bên cầu biên giới, Tiếng đàn tôi, Cây đàn bỏ quên của Phạm Duy, Sơn nữ ca của Trần Hoàn, Dư âm của Nguyễn Văn Tý, Nụ cười sơn cước của Tô Hải, Tình quê hương của Việt Lang, Tình nghệ sĩ, Thu quyến rũ của Đoàn Chuẩn.

Ở các vùng đô thị thuộc kiểm soát của Pháp, những nhạc sĩ vẫn sáng tác nhạc lãng mạn như Văn Giảng với Ai về sông Tương, Lâm Tuyền với Tiếng thời gian, Văn Phụng với Mơ khúc tương phùng...Phạm Đình Chương có tác phẩm Ly rượu mừng, và Lê Thương viết Hòn vọng phu. Lê Thương khi vào miền Nam viết các bản nhạc hài hước, trào phúng Hòa bình 48, Liên Hiệp Quốc. Ở Hà Nội, năm 1947 Nguyễn Đình Thi viết ca khúc Người Hà Nội.

Trong giai đoạn này, tại Pháp trong những năm 1949 tới 1951, hãng đĩa Oria đã thu một số đĩa nhựa 78 vòng tiếng hát của các ca sĩ Hải Minh, Bích Thuận, Hoàng Lan, Văn Lý những ca khúc Hội nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước, Chiến sĩ vô danh của Phạm Duy, Tiếng thùy dương, Hòa bình 48 của Lê Thương, Trách người đi của Đan Trường...

Sau hội nghị Việt Bắc 1950, nền nghệ thuật kháng chiến có bước chuyển biến rõ rệt với vụ phê bình kịch thơ của Hoàng Cầm và ca khúc Bên cầu biên giới của Phạm Duy vì "không theo chủ trương và đường lối của cách mạng". Sau hội nghị này, nhiều nhạc sĩ phải thay đổi cách sáng tác, hoặc rời bỏ kháng chiến về thành, điển hình nhất là Phạm Duy - nhạc sĩ thành công nhất của kháng chiến lúc bấy giờ. Cùng với Phạm Duy hàng loạt những tên tuổi nổi bật như Ngọc Bích, Phạm Đình Chương, Hoàng Thi Thơ...cũng rời bỏ cách mạng để sau này về miền Nam tiếp tục hoạt động. Phạm Duy tiếp tục sáng tác các nhạc phẩm đậm chất dân ca Bắc Bộ và thành công hơn cả là Tình ca năm 1952.

Trong chiến cuộc Đông Xuân và chiến dịch Điện Biên Phủ, ra đời một loạt các ca khúc được phổ biến rộng rãi như Qua miền Tây Bắc của Nguyễn Thành, Chiến thắng Điện Biên của Đỗ Nhuận.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tân_nhạc_Việt_Nam http://208.179.96.115/nguoitinhgia/document/tannha... http://www.trinh-cong-son.com/phduy2.html http://vietsciences.free.fr/lichsu/lichsutannhacvn... http://vietsciences.free.fr/lichsu/lichsutannhacvn... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2006/11/05/... http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan... http://www.tienve.org/home/music/viewMusic.do;jses... http://www.culturalprofiles.org.uk/Viet_Nam/Direct... http://www.nhaccodien.vn/tabId/69/ItemId/654/PreTa... http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/73880/my-tam-dot-...